Các KCN phía Nam thu hút nhiều dự án FDI lớn

Tin tức & Sự kiện

Các KCN phía Nam thu hút nhiều dự án FDI lớn

Ngay từ đầu quý II-2013, nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn lớn đã “cập bến” các khu công nghiệp trên địa bàn phía Nam. Các nhà đầu tư đều có chung nhận định rằng môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn rất hấp dẫn.

Nhiều dự án lớn

Trao đổi với phóng viên báo Hải quan, ông Dương Ngọc Oanh, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư (Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định) cho biết, Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định vừa ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH BUSCENTER MET (Nga) để triển khai xây dựng một nhà máy sản xuất, lắp ráp xe buýt, phụ tùng và các loại máy nông nghiệp.

Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD và dự kiến sẽ được xây dựng trên diện tích 50 ha ở KCN Nhơn Hòa (Bình Định).

“Nhà đầu tư dự kiến khởi công nhà máy sau 45 ngày kể từ khi nhận giấy chứng nhận đầu tư, nhưng do thủ tục xây dựng kéo dài, nên có thể chưa triển khai ngay được Dự án như dự kiến. Song, khởi công trong năm nay là khả thi”, ông Oanh nói và cho biết, sau 36 tháng xây dựng, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Ngày 15/4, Panasonic Eco Solutions Việt Nam cũng đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị dây dẫn và cầu dao điện tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (Bình Dương), với tổng vốn đầu tư 1,42 tỷ yên.

Dự án này cũng mới chỉ được cấp chứng nhận đầu tư vào nửa cuối tháng 3 vừa qua, với quy mô sản xuất 27 triệu sản phẩm thiết bị dây dẫn và 12 triệu sản phẩm cầu dao điện trong năm sản xuất đầu tiên. Quy mô sản xuất được kỳ vọng sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2018.

Tại Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương cũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Công ty TNHH Maruzen Foods Việt Nam, do Maruzen Foods Corporation đầu tư, có tổng vốn đăng ký hơn 100 triệu USD (tương đương 10 tỉ yên). Nhà máy của Maruzen Foods Việt Nam sẽ đặt tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát trên diện tích hơn 129.000m2, sẽ đi vào sản xuất thử từ đầu năm 2014 và sản xuất chính thức từ tháng 4/2014.

Nhà máy này sản xuất, gia công nguyên liệu trong ngành thực phẩm, nước uống; sản xuất và gia công nước hoa quả đóng chai, đóng hộp, và các loại nước giải khát khác. Theo giấy phép đầu tư, nhà máy sản xuất nguyên liệu cho thức uống (nước ép, trà, cà phê…) 150 tấn/năm; thức uống đóng chai (trà, cà phê, nước uống, nước ép trái cây) 2,5 triệu thùng/năm; thực phẩm (cháo đặc đóng hộp, nước sốt cà chua và nấm chế biến sẵn) 100 tấn/năm.

Nhà đầu tư lạc quan

“Việt Nam là một thị trường mới nổi với tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Đất nước này đang phát triển với tốc độ nhanh và cơ sở hạ tầng về điện đang dần được cải thiện. Panasonic Eco Solutions Việt Nam sẽ nỗ lực phát triển sản phẩm thiết bị điện để đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế đang tăng trưởng này”, ông Takashi Ogasawara, Chủ tịch Công ty Panasonic Eco Solutions Việt Nam cho biết khi được hỏi nhận định về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Ông William E. McGlashan, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư TPG Growth (Hoa Kỳ) chia sẻ rằng các nhà đầu tư đều có chung nhận định rằng, Việt Nam là điểm đến thú vị về kinh tế, có lượng dân số lớn, đặc biệt là lớp trẻ và có sức tiêu thụ tiềm năng. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều cam kết kiểm soát và điều hành kinh tế vĩ mô khá hiệu quả. Nói cách khác, Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh về kinh tế trong tương lai.

Ông Mitsuhiro Mori, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho biết kinh tế toàn cầu hiện đang suy thoái, cùng với tình trạng suy thoái là tính chất toàn cầu hóa của doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới. Do đó, nhu cầu phải đầu tư sang một quốc gia khác trở nên mạnh mẽ và Việt Nam là một quốc gia được doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm.

(Nguồn: HQO )